Một số vấn đề trong xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với chức danh Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp
Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC), là một dạng của xử lý vi phạm pháp luật. Một trong những nguyên tắc quan trọng cần đảm bảo trong quá trình XPVPHC theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) là “việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định pháp luật” (Điểm b, Khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC).
Vậy tại sao XPVPHC phải đúng thẩm quyền và đúng quy định pháp luật. Bởi thẩm quyền XPVPHC thể hiện quyền lực hành chính Nhà nước, nhân danh nhà nước để “phán xét” việc xử lý trách nhiệm buộc đối tượng phải chịu sự trừng phạt bằng các chế tài hành chính cho nên uy quyền, sự tôn nghiêm của Nhà nước thể hiện và ảnh hưởng lớn qua thực thi thẩm quyền XPVPHC. Việc XPVPHC phải đúng quy định pháp luật đòi hỏi người có thẩm quyền XPVPHC trước khi ra quyết định xử phạt, ngoài căn cứ các quy định tại Luật XLVPHC cần nghiên cứu các nghị định của Chính phủ về XPVPHC trong lĩnh vực cụ thể, các văn bản pháp luật khác có liên quan để xác định thẩm quyền, mức xử phạt, hình thức xử phạt tương xứng với hành vi, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm của đối tượng. Việc xác định đúng thẩm quyền, quy định pháp luật trong XPVPHC có vai trò quan vô cùng quan trọng bởi trong một số trường hợp cụ thể quyết định XPVPHC lần đầu là căn cứ để xác định tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và đôi khi hành vi vi phạm của đối tượng không đơn giản là vụ việc vi phạm hành chính mà là tội phạm và theo quy định phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, nếu không xác định đúng thẩm quyền xử phạt, áp dụng không đúng pháp luật dễ dẫn đến bỏ lọt hành vi vi phạm hoặc đôi khi là tội phạm và khi đó làm mất niềm tin của nhân dân vào lực lượng thực thi công quyền, tâm lý khinh nhờn pháp luật, tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật không đảm bảo.
Hiện nay, có khoảng 183 chức danh thuộc 14 loại cơ quan quy định từ Điều 38 đến Điều 51 của Luật XLVPHC hiện hành quy định có thẩm quyền XPVPHC, trong đó từng chức danh được Luật và các nghị định của Chính phủ quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt, mức xử phạt, thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả…, đồng thời Luật cũng quy định rõ thẩm quyền XPVPHC của một số chức danh trong trường hợp có thay đổi về tên gọi để thuận tiện xử phạt trong thực tiễn.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay đối với chức danh Chủ tịch UBND các cấp do nhiều yếu tố khách quan như điều động công tác, nghỉ hưu, … dẫn đến địa phương khuyết chức danh Chủ tịch UBND trong khi các đồng chí Chủ tịch UBND mới vừa được Hội đồng nhân dân (HĐND) cùng cấp bầu và chưa được cấp trên phê chuẩn kết quả bầu theo quy định tại Khoản 7 Điều 83 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 (gọi chung là Luật TCCQĐP) thì có được thực hiện thẩm quyền XPVPHC theo quy định của Luật XLVPHC hay không? Vấn đề này chưa được nêu rõ trong Luật XLVPHC.
Trong các chức danh có thẩm quyền XPVPHC thì chức danh Chủ tịch UBND có nhiệm vụ, thẩm quyền đặc biệt hơn cả. Thẩm quyền đặc biệt này xuất phát từ chức năng là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, quản lý tất cả các mặt đời sống xã hội trên tất cả các lĩnh vực trong phạm vi địa bàn quản lý do đó Chủ tịch UBND từng cấp có thẩm quyền XPVPHC rộng trên tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Bên cạnh đó, một trong những nguyên tắc quan trọng trong quản lý Nhà nước là đảm bảo tính liên tục, ổn định, hoạt động hiệu lực và hiệu quả, tránh tồn đọng vụ việc, chuyển hồ sơ XPVPHC lên cấp trên xử lý…. Vì vậy, để đảm bảo nguyên tắc trên, đồng thời kịp thời giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật trên địa bàn không để ách tắt, kéo dài trong trường hợp chức danh Chủ tịch UBND chưa được cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn thì Khoản 9 Điều 83 Luật TCCQĐP có quy định Chủ tịch UBND được HĐND bầu theo giới thiệu của Chủ tịch HĐND và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình ngay sau khi được bầu. Luật TCCQĐP cũng quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND cấp tỉnh (Khoản 10 Điều 22), Chủ tịch UBND cấp huyện (Khoản 8 Điều 29), Chủ tịch UBND cấp xã (Khoản 4 Điều 36) theo đó Chủ tịch UBND tổ chức việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật, tiếp công dân theo quy định của pháp luật.
Như vậy, căn cứ các quy định pháp luật nêu trên có thể hiểu rằng HĐND sẽ bầu ra Chủ tịch UBND cùng cấp theo giới thiệu của Chủ tịch HĐND. Chủ tịch UBND thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của mình ngay sau khi được HĐND cùng cấp bầu trong đó có thẩm quyền xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước xảy ra trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý, trong đó bao gồm thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn./.
Lan Anh