Giao quyền và các trường hợp chấm dứt giao quyền trong xử lý vi phạm hành chính
Để kịp thời trong phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm hành chính, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (gọi chung là Luật) cho phép đối với các chức danh là “cấp trưởng” trong 183 chức danh thuộc 14 loại cơ quan có thẩm quyền xử phạt quy định trong Luật được “giao quyền” trong xử lý vi phạm hành chính (VPHC). Cụ thể, Điều 54 của Luật quy định:
“1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 38; các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 39; các khoản 2, 3 và 4 Điều 40; các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 41; các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 42; các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 43; các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 44; các khoản 2, 3 và 4 Điều 45; các khoản 2, 3 và 4 Điều 46; Điều 47; khoản 3 và khoản 4 Điều 48; các khoản 2, 4 và 5 Điều 49; Điều 50 và Điều 51 của Luật này có thể giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
- Việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện thường xuyên hoặc theo vụ việc và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền.
- Cấp phó được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về quyết định xử phạt vi phạm hành chính của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền cho bất kỳ người nào khác”.
Như vậy, để giảm tải công việc cho những người “cấp trưởng” tránh tình trạng ùn ứ hồ sơ không ban hành quyết định xử phạt do hết thời hạn, Luật đã linh hoạt cho phép giao quyền trong xử phạt VPHC. Theo đó, việc giao quyền trong xử phạt VPHC sẽ được thực hiện thường xuyên hay theo vụ việc phụ thuộc vào ý chí của người cấp trưởng để đảm bảo việc xử phạt được tiến hành nhanh chóng đúng thời hạn quy định. Không chỉ trong xử phạt VPHC mới được giao quyền mà để kịp thời thi hành các quyết định xử phạt VPHC trong trường hợp người bị xử phạt không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt hoặc cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác Luật cũng cho phép giao quyền để thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Tuy nhiên, khác với giao quyền trong xử phạt VPHC, việc giao quyền trong cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Khoản 2 Điều 87 của Luật) và tạm giữ người theo thủ tục hành chính (Khoản 2 Điều 123 của Luật) Luật quy định hạn chế hơn, cụ thể là không được giao quyền thường xuyên, việc giao quyền chỉ được thực hiện trong một số trường hợp khi cấp trưởng vắng để đi học, công tác, nghỉ ốm, đi chữa bệnh … cần thiết phải vắng mặt và không thể trực tiếp ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định tạm giữ người thì được giao quyền cho cấp phó để thực hiện các việc trên. Thế nhưng Luật cũng quy định rõ không cho phép giao quyền đối với việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
Điều giống nhau giữa các trường hợp giao quyền đó là Luật quy định việc giao quyền luôn “phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn được giao quyền. Cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền tiếp cho bất kì cá nhân nào khác” và để thực hiện được thuận lợi, thống nhất trong công tác xử lý vi phạm hành chính trên phạm vi cả nước Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ hướng dẫn và biện pháp thi hành Luật xử lý VPHC (Nghị định 97/2017/NĐ-CP) đã mẫu hóa văn bản giao quyền là “Quyết định giao quyền” trong đó thể hiện đầy đủ thông tin của người giao quyền và người được giao quyền, phạm vi, nội dung, lý do, thời hạn giao quyền… để các chủ thể thực hiện. Việc yêu cầu xác định rõ các nội dung khi giao quyền quy định trong Luật có ý nghĩa rất quan trọng, là căn cứ xác định thẩm quyền, nội dung được thực hiện của người ra quyết định xử lý VPHC khi thực hiện xử lý VPHC trên thực tế, đồng thời là cơ sở để người vi phạm có quyền thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện nếu người được giao quyền không thực hiện đúng quyền, nội dung được giao.
Như vậy, có thể nói giao quyền để xử phạt VPHC, ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC và tạm giữ người theo thủ tục hành chính gọi chung là xử lý VPHC là việc người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật được phép giao quyền lực đó cho cấp phó thay mặt mình thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính theo đúng phạm vi, nội dung và thời hạn ghi trong quyết định giao quyền. Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý là mặc dù có thể nội dung, thời hạn ghi trong quyết định giao quyền chưa hết hoặc người được giao quyền chưa hoàn thành xong nội dung được giao nhưng trong một số trường hợp người được giao quyền vẫn không thể thực hiện việc xử lý VPHC của mình. Cụ thể Khoản 6 Điều 1 Nghị định 97/2017/NĐ-CP xác định việc giao quyền sẽ chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Quyết định giao quyền hết thời hạn;
- Công việc được giao quyền đã hoàn thành;
- Cấp trưởng chấm dứt việc giao quyền cho cấp phó. Trong trường hợp này, việc chấm dứt giao quyền phải được thể hiện bằng quyết định;
- Người giao quyền hoặc người được giao quyền nghỉ hưu, thôi việc, được điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức hoặc tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật;
- Người giao quyền hoặc người được giao quyền chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết;
- Công việc được giao quyền tuy chưa hoàn thành nhưng vụ việc phải chuyển giao cho cơ quan, người có thẩm quyền khác xử lý theo quy định của pháp luật;
- Người giao quyền hoặc người được giao quyền bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.”
Đối với các trường hợp chấm dứt việc giao quyền nêu tại mục 1, 2, 3 nghị định đã quy định rất cụ thể bằng việc người giao quyền không tiếp tục thực hiện giao quyền cho cấp phó hoặc thời hạn giao quyền trong quyết định giao quyền đã hết và người được giao quyền đã thực hiện xong công việc được giao. Tuy nhiên, đối với trường hợp nêu tại các mục 4, 5, 6, 7 khi người giao quyền hoặc người giao quyền vẫn có mặt nhưng do nghỉ hưu, thôi việc, điều động công tác, bổ nhiệm vị trí mới, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức, bị tạm đình chỉ công tác không còn giữ chức danh có thẩm quyền xử lý VPHC theo quy định của Luật hoặc chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết nghĩa là không còn tồn tại trên thực tế để thực hiện các quyền được giao hoặc còn tồn tại và còn thẩm quyền xử lý VPHC nhưng những người này không thể nhận thức hoặc hạn chế nhận thức được hành vi của mình để thực hiện nhiệm vụ hoặc mặc dù công việc được giao quyền tuy chưa hoàn thành nhưng vụ việc xử phạt VPHC phải chuyển giao cho cơ quan, người có thẩm quyền khác xử lý theo quy định của pháp luật như xử lý hình sự, dân sự… hoặc người giao quyền, người được giao quyền bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử bị hạn chế một số quyền theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự thì không được thực hiện xử lý VPHC theo quy định của pháp luật.
Tóm lại, giao quyền trong xử lý VPHC có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và ngày nay được thực hiện thường xuyên trên thực tế khi người có thẩm quyền vì một lý do nào đó không thể thực hiện phải giao cho cấp phó để thực hiện quyền xử lý VPHC nhằm đảm bảo mọi hành vi vi phạm hành chính được phát hiện và xử lý kịp thời góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó thì người giao quyền và nhất là người được giao quyền khi thực hiện quyền được giao cần hết sức lưu ý thực hiện đầy đủ, đúng với phạm vi, nội dung được giao đặc biệt là thời hạn giao và các trường hợp đương nhiên chấm dứt giao quyền như đã đề cập để ban hành các quyết định xử lý VPHC đúng thẩm quyền tránh trường hợp khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước… Tránh trường hợp cho rằng do thời hạn được giao quyền nêu trong Quyết định giao quyền chưa hết nên người được giao quyền vẫn còn thẩm quyền ban hành các quyết định xử lý VPHC mà quên rằng khi người giao quyền rơi vào các trường hợp nghỉ hưu, điều động, tạm giữ, … và khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc trên có hiệu lực thì quyền trong xử lý VPHC của người đó mặc nhiên chấm dứt và theo đó Quyết định giao quyền cũng không còn giá trị thực hiện./.
Lan Anh