Kỷ niệm Ng
ày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3-2
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Nguyễn Xuyến
Trong quá trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (1920) và trở thành người Việt Nam cộng sản đầu tiên. Từ đó, Người xác định mục tiêu của cách mạng Việt Nam là giành độc lập dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Muốn hoàn thành nhiệm vụ đó, Người khẳng định: "Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy"(1). Vấn đề được Người quan tâm hàng đầu về mặt tổ chức, là sớm lập ra Đảng Cộng sản, một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đã xây dựng thành công Đảng Cộng sản ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, giai cấp công nhân nhỏ bé, nông dân chiếm đại bộ phận dân cư. Đảng ra đời, tồn tại và phát triển là xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng. Trong quá trình lịch sử, Đảng luôn luôn được nhân dân tín nhiệm và tỏ rõ vai trò của một tổ chức lãnh đạo, tiên phong trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của đất nước, vì chủ nghĩa xã hội.... Khi thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, có khả năng tập hợp các tầng lớp nhân dân khác đoàn kết đứng lên làm cách mạng.
Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (2-1951), Người cho rằng: "Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam(2) là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam"(3). Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, con đường của cách mạng Việt Nam đi từ cách mạng dân tộc dân chủ tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, phong trào yêu nước giải phóng dân tộc thì rộng rãi, sôi nổi, còn giai cấp công nhân mới hình thành, phong trào công nhân còn non yếu; do vậy, quá trình thành lập Đảng không thể chỉ dựa vào phong trào công nhân mà còn phải dựa cả vào phong trào yêu nước.
Trong bài "Ba mươi năm hoạt động của Đảng" đăng trên báo Nhân Dân, số 2120, ngày 6-1-1960, Người viết: "Chủ nghĩa Mác-Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930"(4). Đây là một luận điểm mới, một khái quát quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quá trình hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam, một sự vận dụng sáng tạo của Người khi quán triệt học thuyết Lênin về Đảng Cộng sản. Luận điểm sáng tạo của Người về các yếu tố ra đời của Đảng Cộng sản không những có ý nghĩa lớn đối với cách mạng Việt Nam, mà còn có ý nghĩa quốc tế, nhất là đối với những nước có hoàn cảnh gần giống với nước ta.
Trong tác phẩm "Đường kách mệnh" (1927), Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bản chỉ nam"(5). Chủ nghĩa là một hệ thống lý luận làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của một đảng. Cũng trong tác phẩm "Đường kách mệnh", Người khẳng định: "Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin"(6). Chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết cách mạng và khoa học, là ngọn đèn soi sáng con đường các dân tộc bị áp bức đấu tranh giành độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Ngay sau khi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, vì từ đó, Đảng lãnh đạo cách mạng trong điều kiện đã có chính quyền. Đảng cầm quyền, nhưng Đảng không thay đổi bản chất, không thay đổi mục đích lý tưởng của mình. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chính sách, các định hướng về chủ trương công tác; bằng tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tổ chức, kiểm tra và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đảng lựa chọn, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ phẩm chất, đạo đức và năng lực vào trong các cơ quan lãnh đạo chính quyền theo đúng quy trình, thủ tục và pháp luật của Nhà nước. Đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật, liên hệ mật thiết với nhân dân và luôn luôn chịu sự giám sát của nhân dân. Là lực lượng duy nhất cầm quyền, Đảng chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước nhân dân về sự bảo vệ toàn vẹn độc lập dân tộc, về sự phát triển của đất nước, về hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước. Đảng cầm quyền vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Trong Di chúc, Người viết: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền...Phải giũ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân"(7). Đảng cầm quyền có trách nhiệm rất nặng nề và vai trò to lớn đối với Tổ quốc, với dân tộc. Sứ mệnh lịch sử vẻ vang đó đòi hỏi Đảng ta phải tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bảo đảm cho Đảng ta thật sự vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một cách toàn diện những vấn đề về Đảng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng ta.